Cự tuyệt vua Nam Đường Lưu_Sưởng_(Nam_Hán)

Năm 970, Lưu Sưởng lại mang quân sang đánh Đạo châu[15] của nhà Tống. Thứ sử Đạo châu là Cương Kế Huân tâu lên Tống Thái Tổ xin cất đại quân đánh Nam Hán.

Tống Thái Tổ ngại vùng Lĩnh Nam xa xôi hiểm trở, chưa muốn dùng binh, muốn thông qua vua nước Nam Đường đã thần phục mình là Hậu Chủ Lý Dực tác động tới Lưu Sưởng. Lý Dực sợ oai nhà Tống, nhận được thư của vua Tống bèn sai Phan Hựu viết thư cho Nam Hán Hậu Chủ như sau[16]:

"Tôi với túc hạ là láng giềng. Tiếp tục minh ước của cha ông ta, tình chúng ta như anh em. Vinh nhục có nhau, sướng khổ cùng chịu. Vừa qua tôi nhập cống Tống, vua Tống bảo tôi nói với túc hạ không được động can qua nữa. Nếu từ bỏ ý đồ thì sứ giả đi xe hoa, mà hàng trăm vạn quân không phải điều động nữa. Nếu không, sẽ xảy ra bất trắc. Tôi thấy vua Tống không phải tham đất, mà là oán giận túc hạ không giữ cái lễ của kẻ bề tôi".

Hậu Chủ đọc thư, cho rằng Tống Thái Tổ nói suông 100 vạn quân để dụ hàng, nên viết thư trả lời Lý Dực tỏ ý không đầu hàng Tống. Lý Dực báo lại cho nhà Tống. Tống Thái Tổ lại viết thư cho vua Nam Đường, sai lựa lời nói với Nam Hán lần nữa. Lý Dực lại viết thư cho ông[17]:

"Hoàng đế nhà Tống lại bảo tôi chuyển lời cho túc hạ, hôm nay nạp lễ vẫn chưa muộn. Nếu không hiểu ra, mùa thu này binh lính dưới thành, hậu quả không thể lường được. Tống đã cho phép thông hiếu, vậy thượng sách là hòa không đánh, hà tất phải tranh hùng. Khuyên túc hạ nghĩ lại mà cẩn thận."

Lưu Sưởng triệu tập các hoạn quan lại bàn bạc. Các hoạn quan bàn rằng Nam Hán tuy không rộng bằng Tống nhưng địa thế hiểm trở, quân Tống chưa dễ đánh được. Lưu Sưởng tin theo, bèn viết thư trả lời vua Nam Đường với lời lẽ kiêu ngạo và bắt giam luôn sứ giả Nam Đường.

Thấy Lưu Sưởng kiêu ngạo, Lý Dực một mặt sai sứ báo cho Tống Thái Tổ, mặt khác vẫn tự mình viết thư phân tích lợi hại một lần nữa nhưng không kết quả. Vua Tống thấy sứ Nam Đường lại tới, biết rằng Lưu Sưởng không khuất phục, bèn quyết định khởi đại binh đánh Nam Hán.